Giỏ hàng của bạn trống!
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn | Safe and Sound
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là rối loạn tâm lý xảy ra sau một sự kiện kinh hoàng kéo dài, thường gắn liền với cảm xúc sợ hãi, bất lực, ghê rợn. PTSD ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý và sức khỏe tâm thần của người bệnh, vì vậy nạn nhân cần tiếp cận chuyên gia tâm lý để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.
Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
1. PTSD là gì?
PTSD là hậu quả của quá trình phơi nhiễm lâu dài với các sự kiện gắn liền với cảm xúc sợ hãi, ghê rợn như chiến tranh, thiên tai, lạm dụng tình dục hoặc các sự kiện đe dọa tính mạng nói chung.
Mỗi cá nhân có ngưỡng đáp ứng với cảm xúc sợ hãi, áp lực khác nhau, do đó PTSD không bị giới hạn ở một ngành nghề, đối tượng cụ thể. Ngoài ra, sự hỗ trợ, chia sẻ từ gia đình và người thân cũng có tác dụng đáng kể trong việc giảm nhẹ sự phát triển thành PTSD hoặc mức độ bộc lộ triệu chứng.
Tuy nhiên, quân nhân là đối tượng phổ biến nhất mắc rối loạn tâm lý này. Đó là lý do PTSD còn có tên gọi khác là “sốc vỏ đạn”. Bên cạnh đó, những người đối mặt với lạm dụng thể chất, tinh thần trong thời gian dài cũng dễ mắc PTSD. Ngoài ra, người thân của những người làm công việc nguy hiểm (quân nhân, lính cứu hỏa, nhân viên cứu hộ...) là đối tượng tiềm năng mắc rối loạn tâm lý này do thường xuyên đối mặt với cảm xúc lo lắng, hồi hộp cho sự an toàn của người thân.
Ảnh 1: PTSD phổ biến ở quân nhân trải qua chiến tranh
2. Triệu chứng PTSD
Các triệu chứng của rối loạn tâm lý này biểu hiện trong vòng 3 tháng đến vài năm từ khi sự kiện bắt đầu. Mức độ nghiêm trọng và thời gian biểu hiện cũng khác nhau tùy người. Các triệu chứng bộc lộ dưới 4 dạng chính:
- Hồi tưởng: Bệnh nhân PTSD thường có những cơn ảo mộng, hồi tưởng về sự kiện kinh hoàng. Đặc biệt, những đồ vật gắn liền với sự kiện (như đồng phục chiến trường, vũ khí...) làm tăng tần suất hồi tưởng mỗi lần tiếp xúc.
- Né tránh: Bệnh nhân có thể né tránh những điều gợi nhớ họ về sự kiện. Điều này khiến họ xa rời gia đình, người thân hoặc những sở thích ngày trước.
- Nhạy cảm quá mức: Bệnh nhân dễ có những cảm xúc tiêu cực (cáu gắt, giận dữ...) quá mức, hoặc mất tập trung; có vấn đề với giấc ngủ (rối loạn giấc ngủ). Đặc biệt, trong giai đoạn hồi tưởng, có thể xuất hiện các triệu chứng thực thể tăng huyết áp, tăng nhịp tim, thở nhanh...
- Nhận thức tiêu cực: Việc này liên quan đến hành vi đổ lỗi, trốn tránh những điều gợi nhớ trải nghiệm tiêu cực.
3. Điều trị PTSD như thế nào?
Quá trình hồi phục PTSD là quá trình lâu dài và liên tục. Các triệu chứng thường không thể biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, quá trình điều trị hợp lý sẽ làm giảm đáng kể triệu chứng, cũng như giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn cảm xúc.
PTSD là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, do đó bệnh nhân cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý ngay khi phát hiện tình trạng. Điều trị PTSD bao gồm thuốc và liệu pháp tâm lý:
- Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc chống trồng cảm và thuốc để kiểm soát cảm xúc lo lắng. Ngoài ra, một số loại thuốc huyết áp cũng được sử dụng để điều trị triệu chứng thực thể.
Ảnh 2: Thuốc được sử dụng phổ biến điều trị PTSD
- Các liệu pháp tâm lý phổ biến bao gồm: liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tiếp xúc kéo dài, liệu pháp tâm động học, liệu pháp gia đình...